Bùng phát chiến tranh Chiến_tranh_Việt_–_Chiêm_(1367_–_1396)

Sau khi vua Trà Hòa mất, vào năm 1360, Chế Bồng Nga, con trai út của vua Chế A Nan, được quần thần tôn làm Raja-di-raja (Vua của các vị vua).[31] Sau khi lên ngôi được một thời gian, Chế Bồng Nga nhận thấy quân đội nhà Trần không còn hùng mạnh như trước nên có ý muốn đưa quân Bắc phạt. Năm 1361, Chế Bồng Nga đem quân đi theo đường biển tiến đánh cửa biển Dĩ Lý (thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay) khiến quan quân Đại Việt phải bỏ chạy. Quân Chiêm cướp phá và tàn sát dân chúng rồi quay trở ra biển. Vua Trần Dụ Tông lập tức ra lệnh cho phòng thủ. Đến năm sau, người Chăm lại sang tấn công Hóa Châu, đốt cháy nhiều nhà cửa. Vua Trần sai Đỗ Tử Bình đem binh chống giữ, củng cố và tái tổ chức các binh đội vùng Thuận Hóa.[‡ 3]

Năm 1365, nhân dịp nam nữ vui chơi ngày xuân, người Chăm đã phục kích sẵn ở các vùng đồi núi chung quanh bất ngờ xông ra bắt cóc đám thanh niên này rồi chạy mất. Một năm sau, người Chăm tiếp tục sử dụng chiêu thức cũ nhưng tướng Trần là Phạm A Song đã dự phòng trước nên phản công đánh đuổi được. Dù các tướng biên giới nhà Trần đẩy lui được quân Chiêm nhưng các cuộc cướp phá không chấm dứt. Năm 1368, Chế Bồng Nga cử sứ sang, yêu cầu Trần Dụ Tông trả lại hai châu cũ.[32] Vua Trần đáp trả bằng cách đưa quân tấn công vào Indrapura[note 3], nhưng bị đẩy lui.[33][34] Những sự kiện này mở đầu cho các cuộc đụng độ giữa người Việt và người Chăm kéo dài trong ba thập kỷ tiếp theo.